About Me

Câu chuyện Quản lý và lãnh đạo (chia sẻ kiến thức) - nên đọc nếu muốn trở thành nhà quản lý tốt hơn

 


Hồi mới bắt đầu tiếp nhận công việc quản lý, khi đối diện với việc chia lương, thưởng, sếp kể cho câu chuyện này : Có 3 con vẹt đi xin việc, ông chủ hỏi : các ngươi làm được những gì, muốn lương bao nhiêu? Con vẹt thứ nhất trả lời : Tôi rất giỏi tiếng Anh, tôi muốn ông trả 1000$, con vẹt thứ 2 nói : Tôi giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp, tôi muốn ông trả tôi 1500$. Con vẹt thứ 3 nói : Tôi thì không giỏi ngoại ngữ lắm, tôi muốn ông trả tôi 3000$. ông chủ ngạc nhiên hỏi tại sao, vẹt tự tin trả lời : vì tôi có thể bảo được 2 con vẹt kia làm việc hòa thuận cùng nhau.

Cũng dễ hiểu đúng không bạn, vì xã hội trả tiền cho bạn bởi những gì bạn tạo ra, những gì bạn tạo ra lại có hai cách : bạn trực tiếp làm hoặc chỉ đạo, hướng dẫn được người khác làm. Người quản lý giỏi có thể làm cho năng suất lao động của cả nhóm tăng lên nhiều lần hoặc ngược lại.

Tôi cũng đã đọc và trải nghiệm thực tế công việc quản lý trong hơn 10 năm. Tôi phải nói rằng đó là một điều rất may mắn. Nó giúp tôi phải học hỏi, dành thời gian suy nghĩ nhiều hơn về bản thân, về con người, xã hội, thể chế và vì vậy tôi nhận thức ra được rõ hơn rất nhiều điều về cuộc sống.

Về kỹ năng lãnh đạo và quản lý có rất nhiều sách đề cập đến. Nếu bạn làm quản lý, bạn cần có cả kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Kỹ năng lãnh đạo giúp ích cho việc quản lý thuận lợi và hiệu quả hơn, tôi sẽ phân tích chi tiết việc này sau. 

Quản lý theo định nghĩa đơn giản là làm đúng việc còn lãnh đạo là lựa chọn việc đúng để làm (Management is doing things right; Leadership is doing the right things). Theo định nghĩa này thì quản lý cần tính kỷ luật cao còn lãnh đạo cần tâm tính tốt và tầm nhìn rộng. Trong mô hình Công ty cổ phần, Lãnh đạo hay được hiểu là Hội đồng quản trị, họ có trách nhiệm lựa chọn Tầm nhìn, Sứ mệnh, Chiến lược, Văn hóa, Nhân sự chủ chốt của Công ty, thông qua các kế hoạch tài chính, kinh doanh hàng năm... Các vị trí quản lý như Ban Giám Đốc, các trưởng bộ phận sẽ người quản lý, thực thi các yêu cầu từ Hội đồng quản trị. Cũng có nhiều trường hợp Giám đốc được ủy quyền giữ vai trò lãnh đạo.

Một định nghĩa khác “ Lãnh đạo là khả năng gây ảnh hưởng”, hay là “Khả năng làm cho người khác tự nguyện làm những việc mà họ cho rằng họ nên được làm”. Khái niệm quản lý và lãnh đạo hay gắn liền với chức vụ trong tổ chức. Nhưng rất nhiều trường hợp không như vậy. Bạn đã từng thấy trong một số tổ chức có người có chức vụ cao nhưng nói không ai nghe chưa, hay là người không hề có chức vụ nhưng mọi người lại rất kính trọng và nghe theo?.

Quản lý thì thường đơn giản hơn lãnh đạo, bạn chỉ cần hiểu rõ chuyên môn, cần cù, chăm chỉ, mẫn cán là bạn có thể làm tốt công việc. Tuy nhiên nếu bạn không có các kỹ năng mềm tốt, không hiểu biết rõ về nhu cầu, niềm tin, văn hóa, tâm lý con người trong tổ chức, bạn sẽ rất vất vả và lúc nào cũng bù đầu vào một đống các công việc, các mâu thuẫn, các vấn đề phát sinh, nhân viên suốt ngày sẽ lên “xin ý kiến chỉ đạo” và nếu không cẩn thận bạn sẽ biến mình nô lệ của chính cái chức danh của mình. Bạn không phải là quản lý mà là “tay sai” cho các nhân viên lười suy nghĩ, ý thức trách nhiệm kém.

Công cụ của người quản lý bạn hay nghe thấy là “cây gậy” và “củ cà rốt” hay hiểu đơn giản là quy chế thưởng phạt. Kỹ năng sử dụng hai công cụ này cũng cần phải học. Ở các cơ quan nhà nước thường cấp trên trực tiếp không có toàn quyền sa thải hay tăng giảm lương của cấp dưới, vì vậy mới có rất nhiều chuyện “trên bảo dưới không nghe” hay “thằng nào làm thằng ấy chịu trách nhiệm”, cấp trên họ từ chối nhận trách nhiệm khi cấp dưới làm sai và cấp dưới không làm theo ý cấp trên nếu họ thấy không đúng. Trong một tổ chức có tính kỷ luật và thống nhất cao, bản mô tả công việc luôn chỉ rõ trách nhiệm và quyền hạn của từng vị trí tương ứng với quyền lợi và trách nhiệm của từng người. Nói đơn giản là bạn làm việc gì thì được hưởng lương cho việc đó, một việc có một tên và một người chịu trách nhiệm chính.

Theo định nghĩa “Lãnh đạo là gây ảnh hưởng” thì người ta phân ra khá nhiều cấp độ : 

+ Cấp độ 1 : Bạn có chức danh, quyền hành hợp pháp trong tổ chức : ở cấp độ này đa phần mọi người nghe theo bạn vì họ phải nghe, họ sợ ảnh hưởng đến lợi ích của mình hoặc muốn được bạn ưu ái.

+ Cấp độ 2 : Nhân viên dưới quyền, lãnh đạo cấp trên tin tưởng vào bạn, cấp độ này là khi bạn đã thể hiện được năng lực chuyên môn, quản lý, mang lại được nhiều lợi ích cho tổ chức; Để đạt được cấp độ này bạn phải nỗ lực cống hiến cho tổ chức để mọi người ghi nhận.

+ Cấp độ 3 : nhân viên tự nguyện phục tùng bạn, yêu quý bạn : cấp độ này đạt được khi bạn vượt qua cấp độ 2 và bạn đã chia sẻ được nhiều lợi ích về vật chất và tinh thần cho nhân viên của mình. Nhân viên yêu quý, tin tưởng, phục tùng bạn. Khi lãnh đạo tổ chức đạt được cấp độ này thường mọi người trong tổ chức làm việc với nhau rất hòa thuận và đôi khi mâu thuẫn giữa các thành viên trong tổ chức xảy ra, bạn chỉ cần xuất hiện là mọi việc đã tự được sắp xếp.

+ Cấp độ 4 : Bằng sự đóng góp cho tổ chức, bằng sự chia sẻ lợi ích cho mọi người, với nhân cách, đạo đức, tầm nhìn, trí tuệ của lãnh đạo. Mọi người kính trọng và tự nguyện đi theo. Khi này chức danh không còn vai trò quá quan trọng nữa. Họ đi theo không chỉ vì lợi ích mà vì sự biết ơn, sự ngưỡng mộ và mong muốn được làm việc cùng để học hỏi.Ở cấp độ này người lãnh đạo đã trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng và tạo ta đội ngũ lãnh đạo kế cận.

+ Cấp độ 5 : Mọi người sẵn sàng hi sinh lợi ích cá nhân, thậm chí hi sinh cả tính mạng để bảo vệ lãnh đạo của mình. Đây là cấp độ của Lãnh tụ. Để đạt được cấp độ này, ngoài 4 cấp độ đã vượt qua. Các Lãnh tụ cần phải duy trì một hình ảnh, một nhân cách, một tầm nhìn, một lý tưởng, một niềm tin mãnh liệt để soi sáng con đường họ đi, để những người khác đi theo. Bạn có thể thấy rất rõ việc này khi xem lại các câu chuyện lãnh tụ của các Tôn giáo, các câu chuyện về các vị Lãnh tụ Cộng sản được xây dựng lên nhằm để duy trì niềm tin trong con mắt nhân dân. Các câu chuyện đó chưa hẳn là thật 100% nhưng nó là cần thiết để duy trì vị trí Lãnh tụ trong trái tim người dân. Khi cần tập hợp số đông người đi theo, có 2 cách các Đảng phái và Tôn giáo hay dùng : một là tạo ra một kẻ thù chung bên ngoài, hai là xây dựng hình ảnh 1 vị Lãnh tụ trong tổ chức (Bắc Hàn là một ví dụ rất điển hình)

Đến đây, nếu bạn dừng lại, quan sát và suy ngẫm một chút thì sẽ hiểu tại sao có những người có vị trí trong tổ chức mà nói mọi người không nghe hay là những người không có vị trí mà mọi người lại rất kính trọng nghe theo. Nếu công việc quản lý, lãnh đạo làm bạn vất vả, bạn nói không ai nghe có thể là bạn đang thiếu sự đóng góp cho tổ chức, thiếu sự chia sẻ với nhân viên, thiếu kỹ năng, thiếu nhận thức, thiếu trí tuệ, thiếu tầm nhìn, thiếu niềm tin hoặc thiếu nhân cách.

Nếu vị trí của bạn là quản lý nhưng bạn có kỹ năng lãnh đạo tốt, bạn sẽ không cần dùng “cây gậy”, mọi người sẽ hợp tác tự nguyện, giảm bớt xung đột, công việc quản lý của bạn sẽ nhàn hơn rất nhiều, năng suất lao động sẽ tăng cao. Tuy nhiên yếu tố cốt lõi của Lãnh đạo chính là Nhân cách, Bản lĩnh và Trí tuệ. Vì vậy lãnh đạo không chỉ là kỹ năng mà còn liên quan đến tâm tính, tầm nhìn, sự lựa chọn lẽ sống của bạn. Nếu bạn quá tham lam, ích kỷ, hay đố kỵ, ghen ghét thì dù có tài năng, kỹ năng tốt, bạn cũng rất khó có thể trở thành lãnh đạo trong con mắt của mọi người. Cũng chính vì thế trong xã hội, cơ quan, công ty, các tổ chức hiện nay, người thực sự đủ tâm đủ tầm là Lãnh đạo không nhiều, đa phần chỉ mới dừng lại ở vai trò quản lý.

Dưới đây là hai bài thơ của người Thầy tôi rất kính trọng :

10 lỗi của người lãnh đạo kém cỏi :

Bất công là tội thứ nhất

Cào bằng là tội thứ hai

Tội ba lẫn lộn đúng sai

Bốn là ko biết phân vai thế nào

Tội năm ko rõ nên sao

Sáu là xử việc tầm phào mất thiêng

Làm người tha hóa bởi tiền

Tội to thứ tám xấu truyền lây lan

Chín là sinh chuyện ăn gian

Mười là để đổ sạch tan cơ đồ

--------------------------------

Về Đạo của người lãnh đạo:

Khai Tầm, hoạt Trí nhìn xa

Hợp Thời, tạo Thế vượt qua hiểm nghèo

Đức Nhân, cộng Lực người theo

Trọng Thiên, thuận Địa thuyền chèo An Tâm

Bên trong kháng thể sóng ngầm

Ân Uy Chế Pháp cương cầm chắc tay

Ai Tài nên dụng việc hay

Đội lên chữ Tín chỉnh ngay trừ Tà

Tình đời chan chứa bao la

Động viên điều Tốt vị tha lỗi lầm

Thành Công chia lại muôn phần

Còn Ta về cõi trong ngần Vị lai

T/g Nguyễn Tất Thịnh

Để lại tin nhắn của bạn

0 Nhận xét


Free counters!